Đây là dự án tiên phong của mô hình phát triển kinh tế biển mới kết hợp giữa nuôi cá dưới nước và sản xuất điện trên mặt nước trong lĩnh vực điện gió nổi ngoài khơi ở Trung Quốc, nhằm mục đích tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên biển.

Giàn nổi tích hợp điện gió và nuôi cá đầu tiên trên thế giới ở Phủ Điền, Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 12/11/2023. Ảnh: VCG

Truyền thông nước này dẫn thông tin từ Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc cho biết, đây là dự án tích hợp nuôi trồng hải sản biển sâu với năng lượng gió nổi đầu tiên trên thế giới. Dự án bao gồm một tuabin gió nổi công suất 4 MW và mặt nước nuôi trồng hải sản dung tích khoảng 10.000 mét khối, có khả năng sản xuất 96.000 kilowatt giờ điện mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 42.000 người trong một ngày.

Trước đó, hôm 2/4, 10.000 con cá đù vàng lớn đầu tiên đã được thả tại khu vưc giàn điện gió với chu kỳ nuôi trồng từ 3-4 tháng.

Theo công ty phát triển dự án, đây là sự kết hợp nhằm đem lại hiệu quả cho cả phát triển năng lượng mới và kinh tế biển truyền thống.

Dựa trên nền tảng số hóa năng lượng mới, đây là dự án đầu tiên thực hiện việc giám sát tích hợp “năng lượng gió nổi + nuôi trồng hải sản biển sâu”, cho phép giám sát từ xa mà không cần có người túc trực, nhưng vẫn có thể quan sát trực quan trạng thái của đàn cá dưới nước.

Điện do tuabin gió ngoài khơi tạo ra có thể đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định cho các thiết bị nuôi trồng hải sản, giải quyết vấn đề thường gặp về “cung cấp điện không đủ và không ổn định” trong nuôi trồng hải sản truyền thống, hiện thực hóa việc “dùng điện nuôi cá và dùng cá dưỡng điện”.